ANTĐ Cùng với đà tăng trưởng của ô tô trong nước, thị trường phụ tùng ôtô hiện đang là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả tung hoành. Phụ tùng ô tô giả xuất hiện ngày càng tinh vi nhờ công nghệ, kỹ thuật cao. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất chính hãng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và có thể là tính mạng cho người sử dụng.
Hỏng xe vì phụ tùng giả
Anh Trần Việt Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một lần lái xe từ Quảng Ninh lên Hà Nội, khi xe đang lưu thông với vận tốc lớn, anh bỗng nghe thấy tiếng kêu bất thường phát ra từ khoang động cơ. Dừng xe lại xem xét, anh Hùng phát hiện dầu máy chảy ra từ khoang động cơ. Mở nắp ca-pô để kiểm tra thì tá hỏa phát hiện lốc máy bị vỡ. Qua một người quen, anh Hùng gọi điện về hãng xe và được đội cứu hộ đưa xe về hãng để sửa chữa. Các chuyên gia kỹ thuật của hãng xe kiểm tra tình trạng hư hỏng thực tế thì phát hiện xe của anh Hùng bị gẫy thanh truyền số 1, lốc máy bị vỡ tại vị trí xi lanh số 1.
Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia đã đưa ra kết luận, nguyên nhân của những hư hỏng này bắt nguồn từ bộ phận lọc dầu mà anh Hùng đang sử dụng là lọc dầu giả. Tới lúc này anh Hùng mới nhớ ra, trước đó anh đã thay lọc dầu ở một garage bên ngoài mà không hề hay biết rằng, chiếc lọc dầu mình được thay lại là lọc dầu giả.
Tương tự như trường hợp của anh Hùng, anh Phạm Công Thắng (TP Ninh Bình, Ninh Bình) khi anh đang chạy xe trên đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình khi được 2/3 quãng đường anh Thắng gặp phải hiện tượng muốn đạp ga tăng tốc xe thì không thể tăng được. Lúc này đèn báo áp suất dầu trên xe anh bật sáng, anh Thắng nghe thấy tiếng kêu to từ buồng động cơ, đồng thời cảm thấy xe rung lên rồi dừng hẳn, cùng với một số mảnh phụ tùng rơi trên đường.
Khi anh Thắng kiểm tra thì phát hiện không thấy dầu trên que thăm dầu, đồng thời lốc máy có lỗ thủng lớn. Nguyên nhân của tình trạng này được anh Thắng cho biết bắt nguồn từ việc lắp phải lọc dầu “rởm” không khớp khi thay thế, làm cho dầu động cơ bị chảy hết, chiếc xe vận hành trong tình trạng không có dầu dẫn tới việc vỡ lốc máy.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị hỏng xe vì sử dụng phải phụ tùng ô tô giả. Theo phản ánh của rất nhiều các thành viên trên một diễn đàn ô tô có uy tín, phụ tùng ôtô giả được tìm thấy tại rất nhiều các cửa hàng bán đồ chơi xe hơi, hay các garage sửa chữa ở bên ngoài. Những phụ tùng ôtô giả rất đa dạng với đủ chủng loại, từ những chi tiết bên ngoài như kính, gạt nước... cho đến các phụ tùng thay thế bên trong thân xe như lọc dầu, lọc gió, bugi, má phanh, bộ ly hợp, bộ giảm xóc... Sở dĩ nhiều chủ xe bị thay thế phụ tùng giả vì đều xuất phát từ thói quen khi sửa chữa ô tô đều đưa thẳng vào gara.
Mọi việc thay thế, sửa chữa đều do các nhân viên trong gara tư vấn. Chỉ cần nói năng lưu loát, biết cách thuyết phục một chút là nhân viên sửa chữa có thể chiếm được lòng tin của khách hàng, từ đó tha hồ trà trộn hàng giả, hàng nhái vào thay thế. Hầu như không có khách hàng nào kiểm chứng lại những phụ tùng đã thay thế có phải là hàng chính hãng hay không. Nhìn bề ngoài sản phẩm thì rất khó có thể nhận biệt. Chính vì vậy việc không ít chủ xe bị dùng phải hàng giả là điều khó tránh khỏi.
“Còn lâu mới phân biệt được”
Tiếp xúc với chúng tôi anh Nguyễn Hoàng Anh - chủ một gara ô tô lớn trên đường Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng cho biết: Thị trường sửa chữa ô tô hiện nay phân thành hai nhóm chính. Nhóm có uy tín là những công ty có truyền thống, tổ chức tốt, nhân lực đào tạo bài bản và nguyện liệu phụ tùng, vật liệu dùng cho xưởng phải đúng quy cách xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị này mua chủ yếu ở các công ty cung cấp phụ tùng có uy tín. Với nhóm còn lại là những xưởng thường không có tính lâu dài, tổ chức không chuyên nghiệp hoặc họ chỉ làm kiểu “kinh doanh quan hệ”. Mối khách của nhóm này là khách hàng “gián tiếp” hay những xe chất lượng thấp, nhóm này cứ rẻ là ok. Dĩ nhiên nguồn phụ tùng của họ chủ yếu mua ở chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ.
Những phụ tùng nhái, làm giả phụ tùng của nhà cung cấp này được bán với giá tương đương với hàng thật song chất lượng lại rất kém. Chúng có xuất xứ chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, sau khi nhập về Việt Nam đều được tháo nhãn mác và gắn mác của nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Toyota, Hyundai.... Những phụ tùng ô tô bị làm giả thường là những loại có tần suất sử dụng cao, dùng cho bảo dưỡng định kỳ, phải thay thế nhiều như các loại bạc đạn, lọc dầu, phuộc, má phanh, lọc gió, lọc nhiên liệu, bugi, đĩa côn... Người tiêu dùng do thiếu kinh nghiệm nên rất khó để phân biệt bằng mắt thường đâu là phụ tùng chính hãng, phụ tùng giả.
Theo kinh nghiệm của anh Hoàng Anh, chợ Hòa Bình hay còn chợ trời là điểm buôn bán giao dịch các loại phụ tùng ô tô lớn nhất thành phố với hàng trăm cửa hàng bày bán công khai. Khi đến đây khách hàng có thể tìm mua đủ loại mẫu mã, phụ tùng khác nhau nhưng không phải ai cũng mua được hàng thật, hàng chính hãng. Khi khảo sát thực tế tại nhiều khu vực chuyên bán phụ tùng ô tô ở chợ Trời, chúng tôi không khó để nhận ra rằng cùng một loại sản phẩm nhưng mỗi nơi mỗi giá khác nhau và giá thành chênh lệch với nhau khá nhiều. Để phân biệt được chiếc buggi chính hãng và buggi loại 1, loại 2 thật không hề dễ dàng.
Nếu như chiếc buggi chính hãng của dòng xe con 5 chỗ Kia được quảng cáo và bán ở đây có giá 800.000 đồng, thì những chiếc buggi loại 1 chỉ có 350.000, loại 2 là 200.000. Những chiếc đèn hậu của dòng xe Ford còn chênh lệch nhiều hơn. Những chiếc đèn được quảng cáo chính hãng ở đây bán với giá 4 triệu đồng, thì những chiếc đèn loại 1 được bán với giá 1,8 triệu đồng, loại 2 là 800.000 đồng. Khi hỏi chủ cửa hàng về cách phân biệt hàng chính hãng, loại 1, loại 2 thì được trả lời: Còn lâu mới phân biệt được, chỉ khi dùng rồi thì loại 2 sẽ nhanh hỏng hơn rồi đến loại 1… Nếu như mua phải đèn loại 2 thì chỉ cần để ngoài trời nắng khoảng 1 tháng là nhựa sẽ bị nứt, màu sẽ bị phai.
Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, để phân biệt phụ tùng chính hiệu và phụ tùng giả phải là những thợ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Cách phân biệt là phải có sự so sánh dựa trên kiến thức chuyên môn, tài liệu và kinh nghiệm. Các hàng phụ tùng giả có bao bì, mẫu mã, hình dáng phụ tùng giống như hàng thật, nhưng đối với người có kinh nghiệm sẽ phân biệt thông qua các nhận dạng từ ngoài vào trong như vỏ hộp của phụ tùng giả thường hay bị nhòe, màu sắc mờ nhạt hơn.
Khi cầm phụ tùng sẽ thấy các phụ tùng giả có thể bóng đẹp nhưng không sâu như hàng thật và hay có lỗi ở mép viền. Hay như những phụ tùng có ren bắt sẽ thấy đường ren có vết vấp của dao và không bóng đều… Nếu tiếp xúc nhiều và có điều kiện để hai phụ tùng so sánh trực tiếp sẽ rất dễ phân biệt đâu là giả, đâu là thật.
Nhiều khó khăn trong xử lý
Việc làm giả phụ tùng ô tô ngày càng diễn ra tinh vi với số lượng lớn, mới đây Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Yang Lin Global VN (100% vốn Đài Loan, KCN Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An) có hành vi làm giả phụ tùng ô tô. Theo giấy phép hoạt động, công ty này chỉ được liên doanh sản xuất kính ô tô cho một số hãng xe, tuy nhiên, lợi dụng việc này, công ty đã tự thực hiện đo, cắt, mài kính theo từng quy cách rồi đưa ra rửa, sấy khô và uốn cong theo hình dạng của các loại xe. Sau đó, các loại kính này tiếp tục được in, phun mang nhãn hiệu của hãng xe lớn.
Những sản phẩm của công ty này không chỉ được bán ra thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu sang Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc… Đáng chú ý, một số garage ô tô móc nối với nhân viên bảo hiểm, mua kính ô tô giả ở Công ty này để thay cho khách hàng. Còn tại Hà Nội, mới đây lực lượng QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh phụ tùng ô tô trên phố Lê Gia Định, phường Đồng Nhân (Hai Bà Trưng) đã thu giữ số lượng lớn phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ như cần gạt mưa, bóng đèn, gương chiếu hậu, đầu lọc gió...
Theo một cán bộ của Chi cục QLTT Hà Nội, phụ tùng ô tô giả, nhái xuất hiện ngày càng nhiều một phần do công nghệ, kỹ thuật ngày càng tinh vi, mặt khác do luật pháp về chống hàng giả hàng nhái chưa chặt, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, sự cẩu thả, tùy tiện và tính ham rẻ của người tiêu dùng cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này… Các đối tượng buôn bán phụ tùng ô tô giả thường chia nhỏ hàng để cất giấu nhiều nơi nên khó phát hiện, khi kiểm tra cũng chỉ bắt giữ được số lượng ít.
Thêm vào đó, các đối tượng buôn bán, sản xuất phụ tùng ô tô giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo và thường trộn lẫn hàng thật với hàng giả. Bên cạnh đó, do Luật Xử lí vi phạm hành chính đối với hàng gian, hàng giả còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Thời gian qua, dù đã có quy định về xử lí hình sự đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả nhưng trên thực tế mới chỉ có rất ít vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy để có thể xử lý nghiêm tình trạng phụ tùng ô tô giả, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán phụ tùng ô tô giả, các chủ xe cũng cần mang xe đến bảo dưỡng tại các trung tâm bảo hành chính hãng, chỉ mua phụ tùng từ các đại lý, nhà phân phối ủy quyền để tránh bị lừa đảo.
lodoRuila
20/04/2022